Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế năng động. Song, nhiều doanh nghiệp (DN) trong vùng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức trước tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng để hội nhập thành công và tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, DN vùng cần thay đổi chiến lược tiếp cận và chọn đúng thị trường.
Dệt may là ngành có thế mạnh của Việt Nam. Trong ảnh: Kiểm tra sản phẩm tại Công ty Cổ phần May Meko Cần Thơ. Ảnh: GIA BẢO
Cần tầm nhìn mới
Năm 2018, vùng ĐBSCL có 9.500 DN thành lập mới; kim ngạch xuất khẩu của các DN toàn vùng đạt 17,5 tỉ USD; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 716.000 tỉ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2019, vùng có 1.200 DN thành lập mới, vốn đăng ký 11.700 tỉ đồng, giảm 10,4% về số DN và 8% về vốn so với cùng kỳ năm 2018. Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vùng chỉ có ba địa phương là Hậu Giang, Tiền Giang và Long An có dự án FDI mới trong 2 tháng đầu năm 2019, với 26 dự án, tổng vốn đăng ký 329,8 triệu USD. ĐBSCL được nhận định có môi trường đầu tư, kinh doanh năng động và được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, nhờ vào sự nỗ lực trong điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, nhưng để phát triển đột phá thì còn là câu chuyện dài.
Trên thực tế, hơn 97% DN tại vùng đều là DN vừa và nhỏ, năng lực về vốn, nhân lực, công nghệ chưa đủ nội lực cho cuộc chơi thị trường toàn cầu. Gỡ điểm nghẽn này, DN cần tầm nhìn mới và có sự tiếp sức từ ngành chức năng. Bởi mỗi FTA khác nhau có bộ quy tắc khác nhau và từng thị trường ngoài cam kết chung còn có các quy tắc riêng, đòi hỏi DN xuất khẩu phải tuân thủ. Cụ thể, dư địa phát triển của 3 ngành hàng chủ lực của vùng ĐBSCL là lúa gạo, trái cây và thủy sản còn rất lớn nhưng đang nghẽn ở khâu thị trường, DN vẫn bị động trong sản xuất và tìm thị trường xuất khẩu.
Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, cho biết: Các FTA mới của Việt Nam, mà Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là sự phấn khởi lớn cho DN về cơ hội xuất khẩu hàng hóa. ĐBSCL mạnh về gạo, thủy sản, trái cây nhưng thị trường nào là thị trường mà DN có lợi thế nhiều nhất thì thật sự DN vẫn đang lần dò tìm kiếm. Tôi cho rằng, để đưa các mặt hàng này ra nước ngoài, Bộ Công thương cần thông tin cụ thể hơn về thị trường, nhu cầu sản phẩm tươi, hay chế biến và các quy tắc, quy định riêng của từng thị trường. Như vậy, DN mới biết mà cân nhắc sản xuất và chọn thị trường phù hợp với năng lực của họ. Và cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN, có DN đầu đàn để thu gom sản phẩm của DN vừa và nhỏ về một mối để xuất khẩu, vì một DN không thể làm được. Liên kết thành chuỗi giá trị mới có thể tận dụng các ưu đãi của FTA thế hệ mới, chứ nếu không chúng ta chỉ nhìn nó như một bảng sáng chói và cuối cùng không với tới nó được.
Hướng đến liên kết chuỗi
DN của vùng ĐBSCL dù năng động chuyển đổi theo thị trường nhưng vẫn loay hoay với bài toán phát triển, do thiếu thông tin thị trường và nội lực còn hạn chế. Theo Bộ Công thương, cam kết thuế nhập khẩu của các nước trong CPTPP là xóa bỏ khoảng 78-95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ hoàn toàn 97-100% dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng các biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng ngay thuế suất 0% khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm như: nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện tử, cao su…
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cho biết: Các cam kết thuế quan và những ưu đãi trong nội khối các quốc gia tham gia CPTPP có lợi cho nhiều ngành hàng của Việt Nam. Nhưng ngoài cam kết thuế quan chung, từng thị trường có quy định riêng về chất lượng, hàng rào kỹ thuật. Đơn cử như DN xuất khẩu xoài, vú sữa sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Canada; xuất khẩu thanh long sang Đài Loan, Mỹ… đều phải tuân thủ theo quy trình của họ thì mới được cấp phép. Do đó, cần tái cơ cấu sản phẩm trong nông nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, GAP và hỗ trợ DN hình thành theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và truy xuất nguồn gốc.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ đang nỗ lực xây dựng môi trường sáng tạo, cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện kinh doanh, chương trình hành động hỗ trợ DN vừa và nhỏ là cải cách thể chế để phù hợp và cung cấp thông tin thị trường cho DN, nhằm hạn chế tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Và tái cơ cấu ngành là giải pháp quan trọng để đứng vững trong hội nhập.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định: Với CPTPP, ngành dệt may có thêm đối tác, khách hàng từ các nước nội khối. Và thị trường này sẽ tạo ra chiến lược phát triển, đầu tư của ngành trong thời gian tới mở rộng cả về quy mô, tầm nhìn và chiến lược phát triển toàn diện. CPTPP có rất nhiều lợi thế nhưng bản thân từng DN phải có chiến lược đầu tư, tiếp cận thị trường để tạo chuỗi liên kết từng khu vực, vùng và cuối cùng là chuỗi liên kết toàn ngành thì mới tận dụng mang lại lợi ích của DN thời gian tới.
Với DN ngành dệt may tại ĐBSCL, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng, liên kết không phải chỉ DN với DN mà cần có vai trò của các sở, ngành địa phương và Bộ Công thương trong vấn đề xây dựng nền tảng cơ chế chuỗi cho ngành dệt may. Đó là cơ chế chính sách tạo nguồn tài chính cho các cơ sở DN vừa và nhỏ, đầu tư hạ tầng cơ sở, đảm bảo môi trường sản xuất. Phải triệu tập được và ngồi lại với DN để tạo cơ chế chuỗi liên kết. Bản thân DN riêng lẻ phải đầu tư căn bản nhất về cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ và nguồn lực con người để phát triển. Vấn đề còn lại là phải đánh giá đúng thị trường, nếu chúng ta không đánh giá đúng thì không bao giờ thành công được. Chúng ta phải đi và phải tạo ra thị trường, dựa trên thế mạnh của mình để thâm nhập thị trường một cách có hệ thống và phải tuân thủ luật chơi các FTA.
Tác giả:GIA BẢO/baocantho.com.vn
18 Trần Bình Trọng, P. An Phú, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Điện thoại: 02923.761.616 - Fax: 02923.761.617
Website: www.ccgf.gov.vn
Email: ccgf@ccgf.gov.vn